“Treo” án sơ thẩm vì lệ phí tống đạt

Án “treo” suốt bốn năm

Trước đây, ông Trương Linh Cường, ngụ quận 6 (TP.HCM) khởi kiện bà Lâm Thị Huê ra TAND TP để tranh chấp quyền sở hữu nhà và đòi nhà cho thuê (vụ án có một số người liên quan đang cư trú ở nước ngoài). Bà Đào tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của bà Huê.

Tháng 4-2009, TAND TP đã xử sơ thẩm, bác yêu cầu của ông Cường. Ông Cường kháng cáo. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã bốn năm trôi qua mà bản án sơ thẩm không được cấp phúc thẩm thụ lý, cũng không được TAND TP đóng dấu là có hiệu lực pháp luật.

Bức xúc vì vụ án bị “treo” suốt một thời gian dài như thế, bà Đào khiếu nại. Sau đó, TAND TP có văn bản trả lời. Theo tòa, sau khi nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn, căn cứ theo khoản 2 Điều 16 Luật Tương trợ tư pháp, tòa yêu cầu nguyên đơn nộp lệ phí ủy thác tư pháp để tống đạt bản án sơ thẩm cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đang cư trú ở nước ngoài. Tuy nhiên, nguyên đơn viện lý do không có tiền nên không nộp. Do vậy, tòa không thể tiến hành ủy thác tư pháp. Cũng bởi vì thế mà cấp phúc thẩm không nhận hồ sơ để giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Cạnh đó, TAND TP cũng giải thích do vụ án có kháng cáo của nguyên đơn và tòa chưa thực hiện việc ủy thác tư pháp tống đạt bản án sơ thẩm cho các đương sự ở nước ngoài nên tòa không đóng dấu là bản án có hiệu lực pháp luật.

Kẽ hở của luật

Trao đổi với chúng tôi, nhiều thẩm phán xét xử án dân sự cho biết đã có không ít vụ án bị ách tắc tương tự. Có thực tế này cũng bởi giữa BLTTDS và Luật Tương trợ tư pháp có điểm “vênh” về lệ phí tống đạt bản án sơ thẩm.

Cụ thể, BLTTDS quy định tòa chịu khoản phí tống đạt bản án sơ thẩm. Nhưng theo Luật Tương trợ tư pháp, cá nhân, tổ chức Việt Nam yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự làm phát sinh yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì phải trả chi phí theo quy định của Việt Nam và của nước được yêu cầu. Do vậy, nếu người kháng cáo không chịu nộp lệ phí ủy thác tư pháp để tống đạt bản án sơ thẩm thì vụ án sẽ bị ách lại. Bởi lẽ nếu tòa sơ thẩm không tống đạt bản án cho các đương sự ở nước ngoài mà tòa phúc thẩm vẫn thụ lý, giải quyết thì sẽ vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Theo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), đây là một vấn đề mới phát sinh mà Luật Tương trợ tư pháp chưa dự liệu. Đã có những trường hợp lợi dụng kẽ hở này để kéo rê vụ án bằng cách kháng cáo nhưng không chịu nộp lệ phí ủy thác tư pháp. Lúc đó, quyền lợi hợp pháp của những đương sự khác sẽ bị thiệt thòi.

Các đề xuất

Để tháo gỡ, luật sư Đức đề xuất nên quy định hình thành một quỹ (trích từ lệ phí, án phí của tòa) để tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp. Sau khi bản án có hiệu lực thì ngoài việc nộp án phí, bên thua kiện còn phải có nghĩa vụ thanh toán cả khoản lệ phí này.

Luật sư Lê Quốc Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì cho rằng tòa nên hướng dẫn đương sự liên hệ các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong trường hợp không có tiền nộp để thực hiện ủy thác tư pháp. Bởi Luật Tương trợ tư pháp cũng quy định công dân Việt Nam thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý có thể được xem xét hỗ trợ chi phí thực hiện ủy thác tư pháp.

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM), nếu người kháng cáo không đóng tiền, cũng không chịu liên hệ trợ giúp pháp lý thì tòa phúc thẩm nên ra văn bản từ chối kháng cáo để bản án sơ thẩm có hiệu lực.

 Nguồn phapluattp.vn

 

 

  Tin mới hơn: Tin cũ hơn:
<< Trang trước                    Trang sau>>
 

ls le trung son cr

Khách hàng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT


DỊCH VỤ CUNG CẤP

trong nuoc

nn